Thursday, October 22, 2020

TÔI HỌC TRƯỜNG HẠ SĨ QUAN NHA TRANG

Gần Noel năm 1967, đang dạy học tại trường trung học Vĩnh Bình, tôi, bạn tôi: Trần Kim Hoàng và hai đồng nghiệp khác có lệnh gọi nhập ngũ khoá 27 sĩ quan trừ bị Thủ Đức theo lệnh tổng động viên ban hành trước đó. Vì số người trình diện đông quá nên chỉ một phần được chọn đi thụ huấn, số còn lại gọi là quân số thặng dư được cho về chờ khoá sau.

Tháng 4 năm 1968 tôi được gọi vào học khóa 2/68 sĩ quan trừ bị. Tháng trước, khóa 1/68 đã được triệu tập và Trần Kim Hoàng đã tham dự khóa đó.

Vậy là sau khóa 27, các khóa kế tiếp được đặt tên là khoá 1/68. khóa 2/68. khóa 3/68...Với cường độ ác liệt của chiến tranh, lệnh tổng động viên được ban hành và hầu như mỗi tháng đều có một khóa sĩ quan trừ bị. Lối huấn luyện sĩ quan trừ bị cũng thay đổi. Thay vì vào thẳng trường Bộ Binh Thủ Đức, các khóa sinh phải học giai đoạn 1 cơ bản quân sự 9 tuần như một người lính tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung rồi mới được chuyển lên trường Bộ Binh Thủ Đức học giai đoạn 2. Lúc học giai đoạn 1, chúng tôi được gọi là khóa sinh dự bị sĩ quan.

Tất cả khóa sinh khoá 1 được tập trung thành tiểu đoàn Nguyễn Huệ, còn khóa 2 chúng tôi đông hơn được chia thành 2 tiểu đoàn: tiểu đoàn Trần Bình Trọng và tiểu đoàn Gia long. Tôi ở tiểu đoàn Trần Bình Trọng và đại đội 3, sĩ quan cán bộ là trung úy Bình mà mọi người gọi là Bình ngọng. Đại đội được xếp thứ tự theo chiều cao của từng người. Tôi là người cao nhứt trong đại đội đáng lẽ mang danh số 1 nhưng gì anh Đàm, một người tốt nghiệp Cao Học Hành Chánh được cử làm khóa sinh đại đội trưởng nên anh ta mang danh số 1, còn tôi mang danh số 2. Anh và tôi ngủ chung một cái giường sắt hai tầng, anh ở tầng trên còn tôi ở tầng dưới.  Trong đại đội tôi có một anh bạn đồng nghiệp là Nguyễn Thành Hải, tốt nghiệp cùng khóa 65 với tôi, dạy môn quốc văn ở trường trung học Nguyễn Trung Trực, Rạch Giá. Anh ấy nhỏ con nên đứng hàng cuối cùng trong khi tôi đứng ở hàng đầu.

Công việc đầu tiên, sau khi được phát quân trang và quân dụng, của các khóa sinh là lên kho vũ khí lãnh súng.  Vì một nửa quân số có công tác khác nên tôi nằm trong một nửa quân số còn lại phải vác một mình hai khẩu garant M1 nặng trĩu. Về tới doanh trại, tôi gần như muốn xỉu. Rồi thì 9 tuần huấn luyện quân sự của chúng tôi bắt đầu. Mỗi môn học: tác xạ, tháo ráp súng, lựu đạn, mìn claymore, địa hình, bò hỏa lực, đoạn đường chiến binh, cận chiến, hành quân dã trại, trực thăng vận, tác chiến trong thành phố... được một sĩ quan huấn luyện viên giảng dạy và một hoặc hai hạ sĩ quan biểu diễn. Khi vừa chấm dứt bài học thì anh hạ sĩ quan biểu diễn lôi trong thùng đạn đại liên  trên xe honda ra nào là nước ngọt, xôi, kẹo, bánh bán cho khóa sinh chúng tôi ăn uống. Mỗi khi một cá nhân hay tập thể vi phạm quân kỷ thì bị phạt nhảy xổm hoặc hít  đất, nhưng chúng tôi sợ nhứt là bị phạt"chà láng"

Số là phía trước doanh trại của mỗi đại đội có một giao thông hào đã được các khoá sinh trước đó đào sẵn để phòng thủ. Khóa sinh bị phat phải lấy ga men dùng đựng thức ăn của mình chà thành của giao thông hào láng coóng như xi măng mới được tha. Một ngày tháng 5 năm 1968, không nhớ tôi vi phạm kỷ luật gì mà bị phạt chà láng giao thông hào trước đại đội tôi, Lúc đó nhằm đợt tổng công kích đợt 2 của Việt Cộng vào Sài Gòn, tôi đứng dưới giao thông hào vừa chà láng vừa nhìn về hướng Sài Gòn trông thấy những cột khói bốc cao ngất trời mà lo lắng không biết gia đình mình có được bình an không vì có tin Việt Cộng về tới Tân Quy Đông , bên kia sông hướng Nhà Bè đối diện với quận 4, nơi gia đình tôi ở và đang giao chiến với quân ta

Chúng tôi đang học giữa khóa thì tất cả khóa sinh 1/68 đàn anh của chúng tôi ở tiểu đoàn Nguyễn Huệ mãn giai đoạn 1 lên đường  vào trường bộ binh Thủ Đức. Trần Kim Hoàng có sang gặp tôi để từ giả. Đồng thời lúc đó có tin đồn, khóa chúng tôi sẽ có phân nửa đậu lên trường bộ binh học sĩ quan và phân nửa rớt  sẽ ra Nha Trang học khóa hạ sĩ quan ở quân trường Đồng Đế. Mọi người rất hoang mang, lo lắng vì tin đồn còn cho biết tiêu chuẩn đậu rớt căn cứ vào điểm môn tác xạ. Riêng tôi, sự lo lắng càng nhiều hơn vì bẩm sinh thể lực không bằng những người khác nên kềm khẩu súng garant không được chặt vì vậy bắn không được chinh xác

Những ngày thi cuối khóa tới, tôi không lo môn nào khác chỉ lo môn tác xạ. Tôi  tác xạ bên cạnh Đàm, khóa sinh đại đội trưởng. Đàm biết sự lo lắng của tôi nên hứa sẽ bắn qua bia của tôi, Đúng như anh đã hứa, khi trông thấy tôi bắn bia trật nhiều quá  nên anh đã bắn giúp tôi vài phát vào bia của tôi. Nhưng tôi vẫn lo lắng không biết mình có đủ điểm bắn không.

Buổi tối ngày mãn khóa, tình hình ở hai tiểu đoàn khóa sinh Trần Bình Trong và Gia Long rất căng thẳng. Chúng tôi được lệnh tập trung ngoài sân chờ lệnh. Trung úy Bình cầm một tờ giấy đọc tên những khóa sinh được nói là phải mang quân trang tham dự một cuộc di hành. Những người không có tên ở lại chờ lệnh. Linh tính cho tôi biết là ai có tên là được đi học sĩ quan ở trường bộ binh, những người còn lại trong đó có tôi, sẽ đi học hạ sĩ quan. 

Sau khi những người may mắn đi rồi thì những người xấu số bắt đầu nổi loạn. Quân cảnh được phái tới rất đông, Đại tá Lê Ngọc Triển đích thân xuống trấn an đám loạn binh nhưng vô hiệu. Cuối cùng,  quân cảnh phải áp giải chúng tôi về trại chuyển tiếp Nguyễn Tri Phương.

Tại đây chúng tôi làm một đêm không ngủ và có người đưa sáng kiến là trút tất cả quân trang trong sac marin bày cả lên giường để người ta không thể ép buộc chúng tôi di chuyển được. Gần sáng thì quân cảnh tiến vào  phòng áp tải từng người ra xe GMC mặc dù mọi người lấy muỗng gỏ vào ga men báo động,

 Cuối cùng, chúng tôi cũng bị chở ra phi trường Tân Sơn Nhứt để đưa ra quân trường Đồng Đế, Nha Trang. Vì số khóa sinh qúá đông  nên việc chuyên chở ra Nha Trang kéo dài tới chiều. 

Sau một giờ bay, chúng tôi tới thành phố duyên hải. Từ phi trường gần biển đến quân trường Đồng Đế, xe chạy qua những quang cảnh rất đẹp.  Nhưng người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ! Khi xe chạy vào cổng quân trường Hạ Sĩ Quan, tôi trông thấy bức tượng người lính bằng  đồng đen gây trong tôi ấn tượng những ngày gian khổ sắp tới. Trong quân đội, hạ sĩ quan là cầu nối giữa sĩ quan và binh sĩ và cấp chỉ huy thấp nhứt nhưng gần nhứt với người lính với nhiệm vụ tiểu đội trưởng . Hạ sĩ quan vừa là người chỉ huy vừa là người trực tiếp chiến đấu. Do đó việc huấn luyện một hạ sĩ quan đòi hỏi sự khổ công chịu đưng trong thời gian học tập của khóa sinh.

Trường sở  khang trang nằm dưới bóng những hàng cây thông, cây bàng đầy bóng mát. Phía sau trường là một dãy núi chắn ngang, thấp thoáng bức tượng người chiến binh đứng trong tư thế thao diễn nghỉ trên đỉnh núi Hòn Khô, tạo thành một khung cảnh thật hùng tráng. Vì dãy núi trông từ xa như hình một thiếu nữ năm xỏa tóc nên sau này khi vào học ở đây tôi được nghe truyền tụng hai câu thơ mà ai đó đã đặt:

“Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ,

Em nằm xỏa tóc đơi chờ anh.”

Sau bữa cơm trưa, chúng tôi được sắp xếp chỗ ở, tắm giặt., Chiều hôm đó chúng tôi tập họp ở Vũ Đình Trường, để nghe Đại Tá Lê Văn Nhật, Chỉ Huy Trưởng Trường nói chuyện. Đại Tá Nhật nhiệt liệt chào mừng chúng tôi, những tân khóa sinh Hạ Sĩ Quan bằng một bản nhạc hùng do Ban Quân Nhạc của Trường hòa tấu . Đại Tá Nhật cho biết trường hợp của chúng tôi đang được Tổng Cục Quân Huấn và Bộ Tổng Tham Mưu cứu xét, và ông tin tưởng rằng đa số chúng tôi sẽ tiếp tục theo học khóa Sĩ Quan Trừ Bị tại đây. Buổi nói chuyện của vị Đại Tá Chỉ Huy Trưởng gây được nhiểu hy vọng cho chúng tôi .

Vài hôm sau chúng tôi được gọi lên đại giảng đường của quân trường để nghe cựu trung tướng Tôn Thất Đính, dân biểu trưởng khối quốc phòng hạ viện nói chuyện . Những tràng vổ tay vang lên khi tướng Đính loan báo Quốc Hội đã can thiệp để vớt điểm bắn cho chúng tôi. Tổng cuộc quân huấn đã  đồng ý chỉ đánh rớt một số khóa sinh tương đương quân số một đại đội phải học khóa hạ sĩ quan, số khóa sinh còn lại được học khóa sĩ quan,

Ngày hôm sau, chúng tôi được phân phối thành 5 đại đội: đại đội 334 học khóa hạ sĩ quan, 4 đại đội cón lại là 335, 336, 337 và 338 học khóa sĩ quan. Tôi được xếp vào đại độ 335 mà sĩ quan cán bộ đại đội trưởng là trung úy Xuân. Tôi có hai người bạn đồng nghiệp là anh Nguyễn Thành Hải, dạy Quốc Văn và anh Nguyễn Thành Tương, dạy Lý Hóa bị xếp vào đại đội 334. Nhờ vậy, sau năm 75 hai anh khỏi phải đi tù cải tạo.

Việc giải quyết trường hợp của chúng tôi tạo tiền lệ cho các khóa sinh viên sĩ quan trừ bị sau này. Không còn có việc đánh rớt khóa sinh để buộc họ phải theo học khóa hạ sĩ quan, mà tất cả đều học khóa sĩ quan, xen kẻ một khóa lẻ học ở trường bộ binh là một khóa chẵn mà phân nửa học ở trường bộ binh, phân nửa còn lại học ở trường Đồng Đế..

Bốn đại đội sinh viên sĩ quan chúng tôi lập thành tiểu đoàn 1 Sinh Viên Sĩ Quan do một vị thiếu tá làm sĩ quan cán bộ..Bốn tuần huấn nhục bắt đầu. Đi đâu từ hai người trở lên đều phải đếm bước chạy. Trước khi vào nhà bàn để ăn thì đại đội phải chạy vài vòng quanh vũ đình trường. Ngòai ra những bài học tuột núi, đi dây tử thần, vượt sông, tấn công lên đồi...là những bài học cam go của chúng tôi.

 Ngày chuẩn bị gắn alpha, chúng tôi phải làm một cuộc hành quân chinh phục Hòn Khô. Tôi phải vác cây trung liên Bar leo núi. Khi lên tới đỉnh Hòn Khô thì tôi suýt ngất xỉu vì kiệt sức.Tối đó, tiểu đoàn1 SVSQ làm lễ gắn alpha cho các khóa sinh."Quỳ xuống các khóa sinh dự bị sĩ quan, Đứng lên các sinh viên sĩ quan". Khẩu lệnh đó cùng bản Hồn Tử Sĩ vang lên trang nghiêm làm tôi lạnh người nghỉ tới những tháng ngày xông pha trong vòng lửa đạn sắp tới.

Tiếp tục những ngày huấn luyện của 12 tuần còn lại, mỗi ngày chúng tôi phải chạy đều bước và hát những bản hùng ca theo tiếng hô một hai của sinh viên cán bộ đại đội trưởng mỗi khi đi học hay đi ăn:

"Ngày bao hùng binh tiến lên.

Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến ..."

" Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn,

Đoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang.., "

"Đây phù hiệu trường Hạ Sĩ Quan

Lò luyện thép tân tiến nhứt Việt Nam..."

"Trường Hạ Sĩ Quan nung chí người trai,

Một trời thép súng nở hoa tươi cười..."

Chúng tôi chỉ được thoải mái khi đi ứng chiến ban đêm. Có đêm chúng tôi giăng lều nằm ở nhà thủy tọa, lắng nghe tiếng sóng biển rì rào. Có đêm chúng tôi nằm trên đồi Rù Rì để làm mồi cho muỗi cắn.

Cuối tuần, chúng tôi được vài giờ phép để ra thành phố Nha Trang. Có người thì vào quán cà phê Thiện ở đường Độc Lập để trồng cây si cô ngồi caisse, người Sài Gòn đẹp như tranh vẽ. Có người đi xả xú báp ở khu Phước Hải . Có người ra bờ biển nhìn sóng vỗ bờ.

Rồi thì khóa học cũng chấm dứt. Khóa 2/68 sĩ quan trừ bị Đồng Đế mãn khóa tháng 11 năm 1968. Mọi người theo hạng thứ của kết qủa thi mãn khóa  lần lượt lên chọn đơn vị. Đa số về Địa Phương Quân, một số ít về các đơn vị chuyên môn và Biệt Động Quân. Tôi và Âu Dương Ư , người bạn đứng cạnh tôi cũng vác trung liên như tôi trong hàng đầu của Đại Đội. chọn về Sư Đoàn 9. Khẩu lệnh để hàng quân chào kính cấp chỉ huy không giống các quân trường khác:"Nghiêm! Súng chào..bắt. Trung liên lên vai."

Đường bộ từ Nha Trang về Sài Gòn lúc đó không an ninh nên tôi ra phi trường Nha Trang mua vé  của Air Vietnam để về nhà. Tôi được một tuần nghỉ phép trước khi trình diện đơn vị. Tôi cùng Âu Dương Ư  đi xe đò xuống Sa Đéc, nơi đóng bản doanh của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 9 Bộ Binh. Anh Bạch Ngọc Hòa, bạn học của tôi  ở trường Nguyễn Văn Khuê gởi tôi và Ư ở tạm nhà đại úy Dũng , trưởng phòng 1 của Sư Đoàn 9, là em họ của anh. Hòa đang học khóa sĩ quan không quân chung với Quan, em kế tôi. Sau này khi sang Mỹ học bay, Hòa rớt về bay nên về Việt Nam sớm hơn và học khóa không phi hành. Em tôi ở lại học tiếp khóa trực thăng , khi về nước làm hoa tiêu trực thăng ở sư đoàn 3 không quân và bị bắn rớt máy bay mất tích trong mặt trận An Lộc năm 1972. Thế mới biết mỗi người có số phận khác nhau.

Vài bữa sau, tôi và Ư trình diện đại tá Trần Bá Di, tư lệnh sư đoàn 9 để được bổ nhiệm về đơn vị. Ư được đưa về trung đoàn 15, vùng trách nhiệm là  Cao Lãnh và Châu Đốc, còn tôi về trung đoàn 16, hoạt  động ở Vĩnh Long và Sa Đéc. Tôi chia tay Ư đi Vĩnh Long nhận đơn vị. Sau này, tôi được tin Ư bị thương ở bụng và được về làm tại bộ tư lệnh quân khu 4 ở Cần Thơ.

Tôi thụ huấn tại trường Hạ Sĩ Quan Nha Trang trong khoá 2/68 sĩ quan trừ bị Đồng Đế chỉ có vài tháng nhưng nơi đây ghi lại nhiều kỷ niệm của thời gian huấn luyện đúng với phương châm “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”.  Trường Hạ Sĩ Quan Nha Trang xứng đáng với tên lò luyện thép, nơi đào tạo cáp chỉ huy gần với binh sĩ nhứt.

 Montréal, Canada ngày 22/10/2020

Huỳnh Công Ân

 ( Trích hồi ký: “Từ Sài Gòn đến Montréal, nổi trôi theo vận nước” cúa cùng tác giả)

Monday, August 15, 2011

Đại Hội Thường Niên Hội Ái Hữu Quân Trường Đồng Đế Nha Trang






Ái Hữu Quân Trường Ðồng Ðế họp mặt
Tuesday, August 16, 2011 4:37:57 PM






Nguyên Huy/Người Việt

GARDEN GROVE (NV) - Tối Chủ Nhật, 14 Tháng Tám, tại nhà hàng Diamond, Garden Grove, các cựu hạ sĩ quan và sĩ quan xuất thân từ quân trường Ðồng Ðế Nha Trang lại có cuộc họp mặt hàng năm để hàn huyên thắt chặt thêm tình quân ngũ vẫn không hề lạt phai từ khi phải buông súng.




Phu nhân cố Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn (phải) cùng con cháu đến tham dự buổi hội ngộ cựu quân nhân Ðồng Ðế. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Ðương kim hội trưởng Phạm Hòa, trong phần giới thiệu, đã “điểm danh” các cựu quân nhân đến họp mặt, thấy có đủ anh em từ các khóa của quân trường.
Trong buổi “điểm danh” này, Hội Trưởng Phạm Hòa sơ lược lại tiểu sử của quân trường, đặc biệt là thành tích đã huấn luyện đến hàng trăm ngàn Hạ Sĩ Quan, Sĩ quan hiện dịch và Sĩ quan trừ bị cả Bộ Binh và Không Quân cũng như Hải Quân thuộc QLVNCH.
Cố Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn, một trong những anh hùng của QLVNCH, cũng xuất thân từ khóa 2 Ðồng Ðế và ngày hôm đó cũng là ngày giỗ thứ 36 của ông. Phu nhân của cố Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn đã cùng các con cháu đến tham dự theo lời mời của hội.
Ðáp lời một câu hỏi của Người Việt, bà quả phụ Hồ Ngọc Cẩn cho biết: “Rất ấm lòng khi thấy anh em đồng ngũ với nhà tôi trước đây hàng năm vẫn nhắc nhở đến tinh thần chiến đấu của nhà tôi. Ðó là niềm hãnh diện cho cả gia đình chúng tôi.”
Cũng trong buổi hội ngộ này, ban tổ chức mời mọi người tham dự cùng đứng lên tưởng niệm cố Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn, một trong những sĩ quan giương cao tinh thần bất khuất của người chiến sĩ VNCH không đầu hàng và bàn giao chính quyền Chương Thiện cho quân đội Cộng Sản vào ngày 30 Tháng Tư, 1975. Sau đó, ông bị xử tử vào ngày 14 Tháng Tám, 1975 tại sân vận động Cần Thơ.
Ðặc biệt năm nay hai niên trưởng Hồ Ðắc Huân và Vũ Quang Ninh đã nhắc đến một chi tiết chưa từng được phổ biến trong các kỳ họp mặt trước. Ðó là sự lưu tâm đặc biệt của cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đến hàng ngũ hạ sĩ quan nên đã chỉ thị cho thành lập một quân trường lớn để đào tạo hạ sĩ quan cho QLVNCH.
Niên trưởng Vũ Quang Ninh, đại diện Ban Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, nói: “Hàng ngũ hạ sĩ quan trong QLVNCH là một lực lượng ưu tú, dầy dạn kinh nghiệm chiến đấu với quân cộng sản. Họ xứng đáng được trao cho nhiệm vụ chỉ huy những đơn vị cơ bản trong quân đội. Ðó là nhận xét của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm trong một lần đi kinh lý, gặp gỡ các đơn vị trong quân đội quốc gia. Vì thế nên tổng thống đã chỉ thị cho Bộ Quốc Phòng, Bộ Tổng Tham Mưu phải tổ chức ngay một quân trường lớn để đào tạo huấn luyện hàng ngũ hạ sĩ quan cho quân đội.”
Niên trưởng Hồ Ðắc Huân cho biết thêm: “Vào năm 1959, trong một lần đi kinh lý một số đơn vị quân đội, Tổng Thống Ngô Ðình Diệm thấy nhiều hạ sĩ quan được cử tạm chỉ huy các đơn vị thay thế sĩ quan vì sĩ quan vào lúc ấy còn khan hiếm. Tổng thống cho mở ngay các lớp đào tạo sĩ quan hiện dịch đặc biệt từ hàng ngũ hạ sĩ quan có đủ điều kiện về học vấn cũng như thâm niên công vụ.”




Ban hợp ca Ðồng Ðế liên tục giúp vui các tiết mục văn nghệ trong suốt buổi hội ngộ. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Quân Trường Ðồng Ðế Nha Trang được các cựu quân nhân nghiên cứu sưu tầm dựa trên quân sử VNCH, cho biết: “Tháng Hai, 1955, Pháp phải bàn giao quân trường 'Ecole de Commando' cho VNCH và trường được đổi tên là Trường Biệt Ðộng Ðội Thể Dục Ðinh Tiên Hoàng. Năm 1957, bộ TTM/QLVNCH đổi tên thành Trường Hạ Sĩ Quan QLVNCH tại Ðồng Ðế, Nha Trang, thường gọi tắt là Quân Trường Ðồng Ðế Nha Trang. Kể từ năm 1958, trường Ðồng Ðế trở thành một quân trường lớn huấn luyện liên tục các khóa đào tạo hạ sĩ quan, bổ túc hạ sĩ quan, huấn luyện căn bản quân sự cho các sinh viên sĩ quan hải quân, không quân rồi đến các khóa sĩ quan hiện dịch, sĩ quan trừ bị trong đó có cả các sinh viên Quốc Gia Hành Chánh được chính phủ gửi đến thụ huấn quân sự.”
Chỉ huy của quân trường Ðồng Ðế từng bao gồm các sĩ quan cao cấp trong QLVNCH như Ðỗ Cao Trí, Lâm Quang Thơ và Dư Quốc Ðống. Cho đến ngày 30 Tháng Tư, 1975, quân trường đào tạo được 120,000 hạ sĩ quan ưu tú cho QLVNCH, hơn 8,000 sĩ quan hiện dịch, 12,000 sĩ quan trừ bị và các khóa huấn luyện quân sự cho trường Quốc Gia Hành Chánh.
Có thể nói các hạ sĩ quan và sĩ quan xuất thân từ Ðồng Ðế trước năm 1975 đã có mặt trong hầu khắp các quân binh chủng của QLVNCH và được đánh giá là những quân nhân ưu tú, can trường và đầy kinh nghiệm chống Cộng Sản, giúp QLVNCH ngăn chặn được làn sóng xâm lăng của miền Bắc Việt Nam trong gần 20 năm trời cho đến khi các thế lực quốc tế ngã giá thời cuộc với nhau.

Sunday, April 3, 2011

Thư Mời Đại Hội Thường Niên Hội Ái Hữu Quân Trường Đồng Đế Nha Trang




Hội Ái Hữu Quân Trường Đồng Đế Nha Trang


Hội Aí Hữu Quân Trường Đồng Đế Nha Trang được thành lập vào năm 1998. Tôn chỉ của Hội dựa trên tinh thần Huynh Đệ Chi Binh và Lý Tưởng Tự Do làm phương châm cho mọi hoạt động.

Hội Aí Hữu Quân Trường Đồng Đế Nha Trang kết hợp tất cả mọi chiến hữu đã từng có thời gian phục vụ hay thụ huấn tại Quân Trường Đồng Đế Nha Trang, không phân biệt cấp bậc hay chức vụ.
Từ 1955-1975, Quân Trường Đồng Đế Nha Trang đã đào tạo trên 100 ngàn Hạ Sĩ Quan ưu tú, 1800 Sĩ Quan Hiện Dịch Đặc Biệt, 12 ngàn Sĩ Quan Trừ Bị và đặc biệt trong suốt 20 năm đào tạo và huấn luyện, đã có 17 sĩ quan lỗi lạc mang Cấp hiệu cấp tướng và tá, xuất thân từ Quân Trường Đồng Đế Nha Trang.

Hiện nay Hội Aí Hữu Quân Trường Đồng Đế Nha Trang có khoang gần 1000 hội viên tham dự bao gồm các khóa hiện dịch từ năm 1959 đến  1963, các khóa trừ bị từ năm 1968 đến năm 1972 và các khóa Hạ sĩ quan.

Trong quá trình 13 năm hoạt động , Hội Aí Hữu Quân Trường Đồng Đế Nha Trang  đã trải qua 4 nhiệm kỳ của Ban Chấp Hành,  tổ chức được 12 kỳ đại hội thường niên, 2 kỳ hợp mặt và phát hành tất cả 7 Đặc San cho Hội.

Ngoài  ra Hội Aí Hữu Quân Trường Đồng Đế Nha Trang cũng tham gia sinh hoạt cộng đồng và các hội đoàn bạn, luôn luôn sát cánh với các đoàn thể, các phong trào và các hội đoàn để đấu tranh cho một nước Việt Nam tự do, dân chủ và phồn thịnh.

Quân trường Ðồng Ðế có quá trình 20 năm lịch sử hoạt động không ngừng nghỉ gắn liền với chiều dài chiến tranh Việt Nam , đã tạo được những thành tích không nhỏ trong nhiệm vụ thực hiện công tác quân huấn, đã chu toàn tốt đẹp các khóa huấn luyện được giao phó. Là một quân trường huấn luyện Biệt động quân đầu tiên, và nhất là đã đào tạo được trên 100,000 Hạ Sĩ Quan ưu tú, 1,800 Sĩ Quan hiện dịch, 12,000 Sĩ Quan trừ bị, góp phần không nhỏ vào việc phát triển và nâng cao hiệu năng tác chiến của QLVNCH.

Quân trường Ðồng Ðế khởi đầu từ một trường biệt động đội nhỏ bé, sau trở thành một quân trường lớn, một quân Quân trường trường kiểu mẫu, một lò luyện thép của QLVNCH, đa năng, đa nhiệm, có khả năng mở nhiều khóa huấn luyện khác nhau, đảm nhiệm những trách vụ khác nhau, từ huấn luyện biệt động đội, thể dục, võ thuật, cận chiến, bổ túc và đào tạo Hạ Sĩ Quan, huấn luyện căn bản quân sự cho SVSQ Hải và Không Quân, đến đào tạo Sĩ Quan hiện dịch và trừ bị, và đã hoàn thành được nhiệm vụ một cách tốt đẹp. Ðó là nhờ công lao, lòng nhiệt thành cùng tinh thần phục vụ cao của các vị chỉ huy của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Trong cuộc chiến chống cộng sản xâm lược miền Nam, đã có nhiều chiến binh các cấp từ quân trường Ðồng Ðế khi ra trận địa đã giữ tròn lời thề trung thành với tổ quốc, đã chiến đấu rất kiên cường dũng cảm, đã hy sinh cho lý tưởng tự do, đã nằm xuống vĩnh viễn trong lòng đất mẹ Việt Nam những chiến sỉ xuất thân từ trường Ðồng Ðế đả nêu cao gương chiến đấu dũng cảm trước họng súng quân thù, đả hy sinh cho lý tưởng tự do, máu của họ đã đổ xuống trong nhiều trận địa, xương thịt đã vùi sâu trong lòng đất mẹ Việt nam .., nhiều chiến sĩ đả trở thành thương binh, để lại một phần thân thể trong cuộc chiến …và nhiều chiến sĩ đang định cư tại các quốc gia tự do trên thế giới sau những năm bị đoạ đày, lầm than cơ cực   trong ngục tù cải tạo của Cộng Sản.

Hội Ái Hữu Quân Trường Ðồng Ðế Nha Trang khởi điểm là do một số cựu SVSQ khóa 1 cùng tìm đến nhau tại quận Cam, Nam California Hoa Kỳ rồi hình thành ban đại diện khóa vào đầu năm 1997 để lo việc sinh hoạt và tương trợ nhau đồng thời cùng hợp tác với nhau trong việc tìm kiếm, liên lạc nối kết các chiến hữu đồng môn cựu SVSQ các khóa 1, 2, 3, 4 Sĩ Quan hiện dịch, các khóa Sĩ Quan trừ bị cùng các niên trưởng đang định cư tại các tiều bang Hoa Kỳ và các quốc gia khác trên thế giới nhằm mục đích liên kết lại với nhau thành một tập thể có tổ chức để làm sống lại tình Huynh Ðệ Chi Binh và tương thân tương ái trong cuộc sống tị nạn CS tại hải ngoại.

Kết quả đến đầu năm 1998 đã nối kết được gần 200 anh em cựu SVSQ các khóa rồi bầu được ban đại diện khóa, ban đại diện toàn trường để lo chuẩn bị cho ngày họp mặt cựu SVSQ Ðồng Ðế vào giữa năm 1998 để sau đó tiến hành lập Hội Thân Hữu Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Ðồng Ðế Nha Trang.

Ngày họp mặt đầu tiên mang chủ đề “Họp Mặt Tình Nghĩa” được tổ chức vào ngày 26 Tháng 7 năm 1998 tại thành phố Santa Ana quy tụ được 200 anh em cựu SVSQ và gia đình cùng một số niên trưởng và thân hữu nhằm mục đích:

-Nối lại sợi dây thân ái, tình chiến hữu huynh đệ, tình đồng khóa, đồng trường .
-Thảo luận việc thành lập Hội thân Hữu cựu SVSQ Ðồng Ðế Nha Trang .
-Bầu Ban Tổ Chức Ðại hội và soạn thảo bản Nội quy Hội Thân Hữu .

Sau 5 tháng tiến hành, bản dự thảo nội quy của Hội thân hữu cựu SVSQ Ðồng Ðế hoàn thành vào năm 1999 và tiếp theo đó là Ðại hội Tình Nghỉa cựu SVSQ Ðồng Ðế Nha Trang khai diễn ngày chủ nhật 5-9-1999 cũng tại thành phố Santa Ana, miền Nam California với sự tham dự của hơn 300 cựu SVSQ và gia đình, cùng hơn 40 Niên Trưởng, Quan Khách và thân hửu đến dự từ một số tiểu bang ở Hoa kỳ, Canada, Úc Đại Lợi …, trong số nầy có cựu cố vấn trưởng của trường Ðồng Ðế là Ðại Tá Lewis Millett cùng một số phái đoàn cựu Chiến Sĩ Đại diện các Hội Ái Hửu Quân Binh Chủng tại địa phương dưới sự chủ tọa danh dự của Cựu Ðại Tá Phạm Văn Sơn, cựu Chỉ Huy Trưởng Ðồng Ðế trong những năm đầu của thập niên 60.

Mục đích của đại hội là gắn kết, phát huy tình chiến hữu huynh đệ và tương thân tương ái giữa các các cựu chiến sĩ đã một thời thụ huấn tại trường Ðồng Ðế Nha Trang, thông qua nội quy của hội, thực hiện Ðặc san làm tiếng nói của hội và bầu các phần hành điều hành hội trong nhiệm kỳ 3 (1999-2002).

Nội quy của cựu SVSQ Ðồng Ðế gồm 8 Chương và 22 điều khoản với tôn chỉ là :
“Làm mục đích kết hợp tất cả các chiến hữu không phân biệt cấp bực, đả từng thụ huấn tại Quân trường Ðồng Ðế Nha Trang thành một tập thể nhằm duy trì, phát huy tình chiến hửu, tình đồng khóa đồng trường để tương thân tương ái, chung vui sẻ buồn trong cuộc sống tha hương nơi hải ngoại”.
Ban chấp hành và Ban Giám sát do đại hội bầu ra gồm các cựu SVSQ các khóa 1,2 ,3 hiện dịch và các khóa trừ bị .
Sau 3 năm tích cực hoạt động, Ban chấp hành, Ban Giám sát nhiệm kỳ 1 mãn nhiệm. Ðại hội Tình Nghỉa cựu SVSQ kỳ V được tổ chức ngày 25-8-2005 tại thành phố Westminster, miền Nam California với mục đích thảo luận và biểu quyết việc mở rộng Hội Thân Hữu cựu SVSQ thành Hội Ái Hữu Quân Trường Ðồng Ðế Nha Trang cho phù hợp với tình hình thực tế và mời gọi tất cả các chiến hữu không phân biệt cấp bực, đã từng một thời phục vụ hoặc thụ huấn tại Trưòng Ðồng Ðế tham gia vào hội, bầu Ban chấp hành, Ban Giám sát cho nhiệm kỳ 2002-2005 . Ðặc biệt các thành viên trong ban chấp hành của hội bầu ra đều là những đồng môn trẻ hay trung niên thuộc các khoá Sĩ Quan trừ bị, thay thế cho lớp đàn anh các khóa hiện dịch hiện nay đều đả cao niên .

Vào cuối tháng 8-2005, Ban chấp hành và Ban Giám sát nhiệm kỳ 2 chấm dứt nhiệm vụ . Ðể mọi sinh hoạt của hội không gián đoạn, Ðại Hội Tình nghỉa Quân Trường Ðồng Ðế Nha Trang kỳ thứ VIII được tổ chứ ngày 4-9-2005 tại thành phố Santa Ana, quận Cam để bầu Ban chấp hành và Giám sát mới cho nhiệm kỳ 3 -  2005-2008 ,tu chỉnh Nội Quy và ấn định thể thức bầu ban cố vấn của hội .Kết quả tất cả 6 thành viên trong ban chấp hành nhiệm kỳ mới đều là các cựu SVSQ trừ bị. Riêng ban Cố Vấn , đại hội đồng thuận để ban chấp hành mời một số quý Niên Trưởng và Huynh Trưởng . Ðại Hội củng tán thành tu chính một số điều khoản trong Bản Nội Quy của hội, đặc biệt chú trọng đến điều khoản tương trợ hội viên bị bệnh hoạn, gặp hoàn cảnh khó khăn, tích cực giúp đở các chiến hửu, các thương binh, gia đình cô nhi quả phụ thuộc Trường Ðồng Ðế xưa mà ngày nay đang sống cơ cực lầm than nơi quê nhà.

Ban chấp hành Nhiệm kỳ 4 được bầu ra trong Đại Hội vào 1 tháng 9 năm 2008 tại thành phố Stanton tiểu bang California và nhiệm kỳ trong 3 năm.

Hội Ái Hữu Quân Trường Ðồng Ðế NhaTrang từ ngày thành lập cho đến nay và trong quá trình 13 năm hoạt động đã tổ chức được một ngày họp mặt toàn trường, 13 đại hội thưòng niên, tất cả đều mang chung chủ đề là:” Ðại hội Tình Nghỉa” và mỗi năm lại tổ chức họp mặt tất niên hoặc tân niên một lần . Ðường hướng sinh hoạt chung của hội đều theo đúng tôn chỉ, mục đích đả đề ra ngay từ ngày hội mới thành lập, đó là:

“Lấy tình nghĩa huynh đệ chi binh và lý tưởng tự do làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động .Nối kết tất cả các chiến hữu không phân biệt cấp bực đã một thời phục vụ hay thụ huấn tại Trường Ðồng Ðế Nha Trang thành một tập thể có tổ chức, nhằm duy trì phát huy tình huynh đệ đồng môn đồng trường để tương thân tương ái, chung vui sẻ buồn với nhau trong cuộc sống tha hương nơi hải ngoại”.

Ngày nay anh em cựu chiến binh HộI Ái Hửu Quân Trường Ðồng Ðế Nha Trang dù ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào củng đều ý thức được rằng:
Cuộc chiến đả tàn, nhưng tình chiến hữu vẫn thiết tha gắn bó ..
Và luôn luôn hướng về quê hương đất nước, nhớ về nơi quân trường củ, chiến trường xưa.

Nhiệm kỳ:
1/1988-2005 NT Chu Trọng Ngư
2/ 2005-2008 CH Vũ Hưng
3/2005-2008 CH Vũ Duy Thêm
4/2008-2011 CH Phạm Hòa



Những Đại Hội Quân Trường Đồng Đế Nha Trang
1 - Ngày 26 tháng 7-1998
2 - Ngày 05 tháng 9-1999
3 - Ngày 03 tháng 9-2000
4 - Ngày 09 tháng 9-2001
5 - Ngày 25 tháng 8-2002
6 - Ngày 31 tháng 8-2003
7 - Ngày 29 tháng 8-2004
8 - Ngày 04 tháng 9-2005
9 - Ngày 03 tháng 9-2006
10 - Ngày 09 tháng 9-2007
11 - Ngày 31 tháng 8-2008 -
12- Ngày 6 tháng 9 năm 2009
13- Ngày 15 tháng 8 năm 2010
14- Ngày 14 tháng 8 năm 2011